Bãi biển Quy Nhơn
Bãi biển Quy Nhơn là một thắng cảnh đẹp nằm ngay phía Nam khu trung tâm Thành phố, thuộc địa phận phường Lê Lợi. Một bãi cát tự nhiên rộng chừng 400m dày gần một km dọc theo con đường Nguyễn Huệ từ lâu đã trở thành một nơi tắm biển và du lịch vô cùng kỳ thú.
Nhưng không chỉ có vậy, bãi biển Quy Nhơn còn chứa đựng nhiều thăng trầm của lịch sử tại mảnh đất Bình Định. Mà cụ thể và đặc biệt nhất đó là kháng chiến chống Mỹ vào tháng 4/1975.
Ảnh: _thuyytrangg_, tran_trung_quyen, henbels
Nơi đây đã diễn ra trận đánh cuối cùng để tiêu diệt quân địch khi đang trên đường rút chạy. Tuy nhiên, thành công thì cũng sẽ có “đổ máu” khi trang kết hào hùng này đã được viết bằng máu của những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định.
Núi Bà
Ở phía nam đầm Đạm Thủy, nằm trọn trên địa phận huyện Phù Cát, choáng một diện tích đâu đó 40km vuông, đã tồn tại một quần thể núi non đừng sừng sững. Đó là núi Bà, một danh sơn nổi tiếng của Bình Định.
Quần thể Núi Bà có trên 60 ngon cao, ngọn thấp khác nhau, nhưng nổi bật nhất là hòn Chuông, hòn Rèo, hòn Hang Rái. Núi Bà cao lớn án ngữ gió biển, khiến cho những đọng cát phía Đông dồn lại, lâu ngày nổi lên thành truông, vun lên thành gò.
Ảnh: giadinhtaro, nicktolrep,chinchinyoong, rinxuu.
Địa hình đèo núi, cát đống mà thiên nhiên tạo ra như những khó khăn, thử thách với con người sinh sống ở đó, nhưng với bản chất yêu đời, lạc quan, yêu quê hương, người dân Bình Định đã thể hiện chúng qua một câu ca dao thơ mộng, nên thơ. Người con gái hát: “Anh về em cũng muốn theo, sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm”, rồi chàng tran an ủi vỗ về: “Đã dăm anh đã lượm rồi, còn truông cát nóng em bồi bùn non”.
Đầm Thị Nại
Đầm Thị Nại là một đầm lớn chạy dài hơn 10km, bề rộng tới 4km, nằm phía Đông Bắc Quy Nhơn. Đầm này đã có một thời gian mang tên là Hải Hạc, nhưng trong dân gian thì từ lâu người dân vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đây là một cách gọi tắt của một địa danh Chàm. Đến nay Thị Nại vẫn là đầm lớn nhất tại Bình Định.
Ảnh: quynhanhdiary, phuottv
Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây, sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Nhưng lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong các sách cổ nơi đây có tên là đầm Biển Cạn.
Chùa Long Khánh
Chùa Long Khánh là tên một ngôi chùa lớn nằm ở trung tâm thành phố Quy Nhơn, khuôn viên chùa Long Khánh thuộc phường Lê Lợi. Và là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Bình Định. Là nơi sinh hoạt, lễ bái của giới tăng ni Phật tử và là một địa điểm tham quan du lịch Bình Định hấp dẫn.
Chùa được kiến trúc theo hình chữ “Khẩu”, phía trước có chánh điện gồm thượng điện và hậu điện. Phần thượng điện thờ Phật Adiđà và Quan âm Chuẩn đề, hậu điện thờ Phật tổ Thích Ca. Hai bên có Đông phòng và Tây phòng. Hai dãy này là chỗ dành riêng cho tăng ni. Còn phía sau là Tổ đình, thờ các vị khai sơn phá thạch.
Ảnh: st
Về giá trị kiến trúc thì chùa Long Khánh không có gì độc đáo, nhưng với lịch sử hình thành và phát triển của Quy Nhơn, thì chùa Long Khánh có một vị trí khá đặc biệt. Đến thời điểm hiện tại, chùa Long Khách là một di tích lịch sử Bình Định khó phai nhòa vì đã tồn tại gần 400 năm, khi đối chiếu với lịch sử, từ năm 1651 đến năm 1742, chùa đã được xây dựng. Du khách gần xa khi đến tham quan chùa sẽ luôn có những phút giây cảm giác tĩnh mịch sâu lắng và tôn kính như đi sâu vào thế giới hư vô cực lạc.
Đảo Yến Quy Nhơn
Đảo Yến thuộc địa phận xã Nhơn Lý, tỉnh Bình Định. Gọi là “đảo” nhưng thật ra xứ sở của loài chim yến nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai. Đảo Yến là một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo có tuổi hàng vạn năm với những vòm đá có nơi cao tới cả trăm mét.
Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài khoảng 15km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi thật ngộ nghĩnh là: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, núi Đen,.. và trong số đó, ngọn núi án ngữ phía Nam mang tên Hòn Yến. Đến tham quan đảo Yến, chắc chắn bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục, hoành tráng từ bên ngoài đến tận vào sâu bên trong hang.
Ảnh: menphamm, thian_297, beardley.wanders, npa203.
Cứ mỗi mùa xuân đến, tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau từng đàn đông nghịt đến đây làm tổ. Mặc dù sống theo bầy đàn như vậy, nhưng chim yến lại là loài sống từng đôi với nhau không hề nhầm lẫn.
Ghềnh Ráng
Từ lâu, bãi biển Quy Nhơn được coi là một thắng cảnh đẹp với bãi cát mịn vàng óng cùng với những cảnh vật hữu tình do thiên nhiên bài trí và con người tu tạo. Và Ghềnh Ráng là một trong những tác phẩm thiên tạo.
Đây là một quần thể sơn thạch chạy sát biển, dấu vết tận cùng về phía Đông của dãy núi Xuân Văn trùng điệp nằm cách trung tâm thành phố 2km về phía Nam. Nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn & gành, quanh năm giỡn đùa cùng sóng biển.
Ảnh: vanvan56789, l.t.t0110.
Tuy cái tên Ghềnh Ráng chưa được giải thích rõ ràng nhất vì theo lời dân địa phương thì cái tên này được những người đi biển đặt ra. Qua những nơi nhiều gành, lắm rạn, người ta phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại. Thao tác ấy trong nghề đi biển gọi là ráng. Đi ngang qua Nhạn Châu, người ta cũng thường phải làm như thế, rồi lâu dần thành cái tên, rồi họ “chốt sổ” là Gành Ráng.
Nhà lao số 9
Trong số các nhà lao giam giữ tù chính trị thì nhà số 9 đường Đào Duy Từ thật sự là một nhà tù trần gian. Di tích này thuộc phường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn. Theo hồi ức của các tù nhân thì so với chuồng cọp Côn Đảo, xà lim Chí Hòa thì sự đày đọa người bị giam cầm ở xà lim số 1, nhà lao số 9 còn khủng khiếp hơn khá nhiều.
Đây là nơi giam cần hành hạ những người mà lính Mỹ cho là nguy hiểm. Tù nhân thường bị tra tấn bằng những cực hình vô cùng man rợ. Trong khi khẩu phần ăn mỗi bữa chỉ là một vắt cơm nhỏ với mấy hạt muối. Nhưng rùng rợn nhất là hình thức giam cầm.
Ảnh: st
Trong một căn phòng nhỏ chỉ chưa đầy 5m2, trần cao 2,65m2 chỉ có hai khe nhỏ rộng 5cm, cao 20cm làm lỗ thông hơi, chúng thường xuyên giam cầm tới 20 người. Có những lúc lên đến 37 người cả nam lần nữ. Chính vì vậy, nhà lao số 9 là một chứng tích về tội ác ghê tởm, cũng như di tích lịch sử về cuộc đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ cách mạng kiên trung, không bao giờ phản bội lại sự nghiệp cách mạng.
Tháp Đôi
Trong số các tháp Champa còn lại trên đất Bình Định, có một quần thể di tích khá độc đáo nằm ngay trên địa phận phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, đó là tháp Hưng Thạnh hoặc gọi tên khác là Tháp Đôi.
Xét về phong cách, tháp Đôi có nhiều nét tương đồng với khu tháp Dương Long, vì đều là những công trình kiến trúc được xây dựng vào những thập niên đầu thế kỷ XIII. Khi Champa bị người Kh’mer đô hộ.
Ảnh: do.maidung, giangbum, grant.me.
Di tích hiện có là 2 ngọn tháp không cao lắm, nằm cạnh nhau theo trục Bắc – Nam. Tháp Bắc cao khoảng 16m, còn tháp Nam thấp và nhỏ hơn đôi chút. Có lẽ chính vì vậy nên trong dân gian đã gọi bằng một cái tên giản dị là: tháp Đôi.
Đền thờ Tăng Bạt Hổ
Tăng Bạt Hổ là một người ưu tú của quê hương Bình Định, tên thật của ông là Tăng Doãn Văn, sinh vào tháng 7 năm 1858, mấy tháng trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam.
Là một người thông minh lại sớm có lòng yêu nước và ý chí cứu dân, cứu nước, ông đã tham gia chiến đấu chống Pháp từ khi còn là một thiếu niên 14 tuổi. Những hoạt động phong phú và đa dạng trong suốt 30 năm, qua 4 thời kỳ cho thấy ông là một nhà yêu nước quật cường, bất khuất, luôn nung nấu ý chí “phục thù báo quốc.”
Ảnh: Dulichbinhdinh
Để tri ân, ghi nhận công lao sự nghiệp của nhà chí sỹ Tăng Bạt Hổ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, từ năm 2012 đến nay, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước đã huy động được trên 5 tỷ đồng để nâng cấp Đền thờ Tăng Bạt Hổ trong khuôn viên được quy hoạch 5.300m2 (gấp 10 lần so với trước đây).
Gò Đá Đen
Gò Đá Đen là một địa điểm luyện tập và xuất binh của nghĩa quân Tây Sơn. Di tích này nằm cách Bảo tàng Quang Trung 500m về phía Bắc, thuộc địa phận thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ảnh: st
Kiên Mỹ không chỉ là nơi gắn bó các lãnh tụ Tây Sơn từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Mà còn là một trong những căn cứ buổi đầu của phong trào Tây Sơn (1771 – 1773).
Ngày nay trên đất Kiên Mỹ còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn bó với các lãnh tụ Tây Sơn cũng như đối với cả phong trào Tây Sơn. Ngoài: cây me cổ thụ, giếng nước xưa, bến Trường Trầu, còn có Vườn Dinh, vi Tập Binh, vi Cấm Cố, gò Đá Đen.
Di tích Đài Phát Thanh
Toàn bộ các cơ quan đầu não cũa địch ở Bình Định đều tập trung ở thị xã Quy Nhơn. Trong cuộc sống tổng tiến công và đồng loạt nổi dậy Xuân Mậu Thân trên địa bàn tỉnh thì đây là địa bàn trong điểm, vì theo kế hoạch, mục tiêu tấn công địch đầu tiên là Đài Phát Thanh này.
Trong chiến dịch tấn công vào Quy Nhơn năm 1968, trận đánh Đài Phát Thanh là một chiến thắng tiêu biểu. Di tích ghi lại chiến công oanh liệt này nằm trong khuôn viên nhà số 183 đường Lê Hồng Phong, nay là Sở Văn hóa – Thông tin Bình Định.
Đài phát thanh đã bị trúng đạn sập đổ từ năm 1968, nay không còn lại dấu vết gì. Dãy nhà 2 tầng phía sau tuy đã có cải tạo nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên cấu trúc như khi trận đánh diễn ra. Năm 1977, một dãy nhà 2 tầng mới đã được xây dựng thêm. Ở ngay trước sân ngôi nhà này vào năm 1988, một tấm bia di tích cao 2m, rộng 1,5m, mặt lát đá được dựng lên để ghi lại chiến công của các chiến sĩ đã làm nên chiến thắng trong mùa xuân 1968.
Di tích khu lò gốm Gò Sành
Gò Sành hay xóm Sành là tên gọi cùa một xóm nhỏ thuộc thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ lâu, làng quê này đã trở thành điểm tham quan tìm hiểu của giới nghiên cứu gốm cổ trong nước và quốc tế. Nằm cạnh đường quốc lộ nối liền Quy Nhơn với Tây Nguyên, vị trí Gò Sành rất thuận lợi cho những ai có dự định đến thăm.
Người dân Phụ Quang kể rằng, trong khi đào đất xây dựng hoặc canh tác, họ thường gặp những vùng đất ken dày những mảnh gốm sứ với nhiều loại hình như: bát, đĩa, chậu, thạp, vò,.. Đôi khi họ còn bắt gặp được những chiếc cốc, đĩa, bát, còn nguyên vẹn.
Họ không biết những sản phẩm ấy đã được vùi lấp từ bao giờ và ai là chủ nhân của chúng, nhưng họ đoán chắc rằng đó là những cổ vật. Những sản phẩm được sản xuất ở Gò Sành này phần lớn xương có màu xám mực, đỏ nhạt, kỹ thuật giai đoạn sớm dùng con kê, men tráng gần sát đát, giai đoạn muộn dùng kỹ thuật ve lòng. Men gốm dày đều và màu men không ổn định đã tạo ra một sắc thái riêng cho gốm Gò Sành.
Hiện nay, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định thu thập và lưu giữ một bộ sưu tập khá phong phú liên quan đến gốm Gò Sành. Bảo tàng sẽ xem xét và nghiên cứu và cũng giúp cho chúng ta hình dung rõ nét nhất về vai trò của di tích khu lò gốm Gò Sành này.
Di tích khu lò gốm Trường Cửu
Các nhà khảo cổ đã phát hiện được dấu vết của lò nung gốm có bình đồ hình chữ nhật nằm theo hướng Đông Tây, tường xây bằng đất sét mịn được đầm lèn chắc. Phần tường lò còn lại có màu đỏ sẫm và rất cứng do tác động của nhiệt độ cao khi nung gốm. Phần ngoài tường mảnh bao thơi và sản phẩm gốm phế thải ken dày.
Trung tâm sản xuất gốm ở Trường Cửu có quy mô khá lớn. Trên một diện tích rộng, tầng văn hóa dày đặc mảnh gốm sứ và các vật dụng liên quan đến nghề làm gốm dày trên dưới 1m, có nơi dày tới 1,8m.
Căn cứ vào những di vật còn lại, sản phẩm được làm tại đây tương đối phong phú. Có thể tìm thấy các mảnh vỡ của rất nhiều loại hình như: bình, chậu, bát, đĩa, cốc,.. với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau.
Ảnh: Viện nghiên cứu Kinh Thành
Phần lớn những sản phẩm này đều được tráng men dày và bóng. Màu sắc men thường thấy là xám nhạt, nhưng lác đác cũng có thể các màu khác như: vàng, nâu. Đa phần các sản phẩm không có hoa văn trang trí, trừ một số vật phẩm có kích cỡ lớn được vẽ chìm trên xương gốm rồi phủ men màu lên. Nhưng đối với loại này, đồ án trang trí cũng chỉ là những trang trí hoa lá với cách thể hiện đơn giản.
Dựa vào kỹ thuật chế tạo và phân tích loại hình, các chuyên gia cho rằng trung tâm sản xuất gốm này thuộc vào giai đoạn muộn của thời kỳ Vijaya, có niên đại vào khoảng thế kỷ 14 – 15.